Hiện nay là thời điểm thích hợp để nhìn lại Chiến lược phát triển ngành cơ khí đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020.
Theo nhận xét chung của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (Vami), chiến lược này nhìn chung không thành công.
Muốn nhiều, nhưng làm được không bao nhiêu
Cuối tháng 9-2011, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp sơ kết một năm thực hiện các biện pháp tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư trong nước sản xuất. Mặc dù hội nghị đánh giá “bước đầu đã đạt được kết quả khả quan”, nhưng dự báo giá trị máy móc, thiết bị, vật tư và nguyên liệu trong nước sản xuất, sử dụng trong các dự án đầu tư năm nay chỉ hơn 16.000 tỉ đồng, tức là chưa đầy 800 triệu đô la Mỹ. Một con số rất khiêm tốn so với giá trị máy móc, thiết bị và vật tư nhập khẩu dự kiến đến 14-15 tỉ đô la Mỹ trong năm 2011.
Số liệu trên có khoảng cách rất xa so với kết luận ngành cơ khí đã đáp ứng được trên 40% nhu cầu nội địa, do một quan chức của Bộ Công Thương đưa ra mấy năm trước – con số mà nhiều chuyên gia trong ngành cho là không đúng với thực tế. Ông Đào Văn Long, Phó chủ tịch Vami, cho rằng: “Ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 20-25% nhu cầu trong nước, chưa thể đạt được con số do một số cơ quan công bố trước đây”.
Chiến lược cơ khí tập trung chủ yếu vào phát triển tám nhóm sản phẩm trọng điểm, gồm: thiết bị toàn bộ, máy động lực, máy móc ngành nông nghiệp, phương tiện giao thông, máy công cụ, máy móc phục vụ ngành xây dựng, đóng tàu và thiết bị điện.
Theo phân tích của kỹ sư cơ khí Trần Bảo Giốc, nguyên đại biểu Quốc hội, trong tám chuyên ngành và sản phẩm trọng điểm kể trên, chỉ có hai ngành đóng tàu và chế tạo thiết bị điện là “thực hiện được định hướng chiến lược”. Các lĩnh vực còn lại, những kết quả đạt được vẫn còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu, thậm chí nhóm ngành chế tạo máy công cụ còn tụt hậu hơn so với thời bao cấp. Ngay với ngành đóng tàu, thành tựu chúng ta nói đến ở đây mới là khả năng đóng được những chiếc tàu lớn. Nếu xét đến yếu tố hiệu quả kinh tế, thì sẽ khác hẳn. Tương tự, thành tựu của lĩnh vực thiết bị điện chủ yếu là của ngành chế tạo biến áp. Một sản phẩm khác là tổ máy phát cho nhà máy điện, mà chương trình rất kỳ vọng, thì gần như vẫn là con số không.
Riêng trong nhóm thiết bị toàn bộ, ngành được xem là có nhiều tiến bộ vượt bậc trong những năm qua, thực tế vẫn chỉ là sản xuất những thiết bị lớn và phi tiêu chuẩn. Theo nhận xét của các thành viên thuộc Vami, thì đây là phần dễ làm nhất và thường chỉ chiếm 20% giá trị của toàn bộ dây chuyền.
Tóm lại, những gì ngành cơ khí làm được trong thời gian qua chủ yếu nằm ở phân khúc dễ, không đòi hỏi trình độ công nghệ chuyên sâu và có giá trị thấp. Vì thế, không ngạc nhiên khi khả năng đáp ứng cho nhu cầu trong nước (tính theo giá trị) của ngành cơ khí Việt Nam vẫn chỉ giới hạn quanh mức 20-25%, trong khi kỳ vọng lại rất lớn, đến 40-60%.
Vì đâu nên nỗi?
Việc đặt ra mục tiêu quá tham vọng, nhưng không xét đến thực lực của ngành cơ khí và yếu tố thị trường, cộng với định hướng phát triển, dù gọi là trọng điểm, nhưng thực tế thì dàn trải, bao quát gần hết nhu cầu của nền kinh tế, là một trong những nguyên nhân làm chương trình thất bại. Với thực lực về trang thiết bị, công nghệ, nguồn nhân lực bất cập và khả năng tài chính quá yếu, thị trường còn quá nhỏ, thì các chỉ tiêu như đáp ứng 40% nhu cầu thiết bị toàn bộ; sản xuất động cơ thủy 400 mã lực trở lên với tỷ lệ nội địa hóa 35-40%; đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% trong lĩnh vực sản xuất xe tải và xe buýt và 35-40% với ô tô con… chỉ là những con số trên giấy tờ.
Bên cạnh đó, một bất cập khác là chính sách của Nhà nước trong 10 năm qua gần như chỉ tập trung hỗ trợ cho ngành đóng tàu, cụ thể là cho Vinashin, mà bỏ qua các lĩnh vực được coi là trọng điểm khác. Một thành viên của Vami nói: “Tập trung cho lĩnh vực được xác định là mũi nhọn là việc nên làm, nhưng hỗ trợ theo hướng muốn gì được nấy mà buông lỏng kiểm tra, để bên dưới tự tung tự tác thì chẳng hứa hẹn kết cục gì tốt đẹp”. Bên cạnh đó, tình trạng một số doanh nghiệp tranh thủ cơ hội vay vốn ưu đãi của Chính phủ, không ít dự án “cố gò vào trọng điểm” cũng là nguyên nhân làm cho dự án kém hiệu quả từ trứng nước.
Ngoài ra, tình trạng đầu tư khép kín, các doanh nghiệp bị chia tách, cát cứ theo chỉ đạo của cấp chủ quản, dẫn đến doanh nghiệp nhà nước ngành cơ khí rất khó hợp tác, đầu tư trùng lắp cũng góp phần không nhỏ vào thất bại của chiến lược phát triển ngành này.
Tháo gỡ những gút mắc
Theo đề xuất của các chuyên gia trong ngành, để vực dậy ngành cơ khí, cần giải quyết một số điểm gút mắc sau:
Trước hết, chọn lựa và chốt lại một số sản phẩm cơ khí có giá trị cao, điều kiện thị trường thuận lợi để tập trung đầu tư, phát triển, không nhất thiết phải lấy tám nhóm sản phẩm đã chọn từ 10 năm trước.
Kế đến, nên đi từng bước, bắt đầu là lắp ráp và chế tạo một số linh kiện, phụ tùng phù hợp. Không cần thiết đặt ra các mục tiêu về tỷ lệ nội địa hóa, mà cần tham gia mạnh vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nội dung cần làm tiếp theo là xóa bỏ cơ chế chủ quản để doanh nghiệp nhà nước ngành cơ khí hoạt động bình đẳng như mọi thành phần kinh tế khác. Khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác, phân công lao động với nhau.
Cuối cùng, ngành cơ khí phát triển được hay không vẫn phụ thuộc nhiều vào chính sách và cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. Đây là ngành cần vốn đầu tư lớn, hiệu quả sinh lợi cho bản thân lại thấp. Nếu để doanh nghiệp vay đầu tư theo lãi suất thị trường, sẽ chẳng ai dám chọn ngành cơ khí để đầu tư. Tuy nhiên, hỗ trợ phải đúng chỗ và có điều kiện chứ không thể hỗ trợ theo kiểu như Vinashin.
Nguồn: baocongthuong.com.vn