Phát triển công nghiệp cơ khí – ngành xương sống cho các hoạt động sản xuất công nghiệp trong thời gian qua – chưa được quan tâm đúng mức.
Chính vì thế, thành lập một nhà máy sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm phía Nam sẽ là đòn bẩy không chỉ giúp ngành cơ khí trong nước phát triển mà còn giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngành Cơ khí Việt Nam đang cần vốn để đầu tư, phát triển
Để trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 theo mục tiêu đã đề ra, nhiều ngành công nghiệp trong nước sẽ phải có những bước đi đột phá mang tính chiến lược, nhằm tạo nên thế mạnh cũng như động lực thực sự cho phát triển kinh tế.
“Đòn bẩy” tích cực
Cơ khí, ngành nền tảng trong lĩnh vực công nghiệp lại càng cần được quan tâm và coi trọng hơn bao giờ hết. Thực tế cho thấy, nhu cầu về các sản phẩm cơ khí trong nước rất lớn, tuy nhiên, do công nghệ, máy móc lạc hậu nên nhiều sản phẩm của DN Việt Nam sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công Thương – chia sẻ: Cả nước có khoảng 3.100 DN cơ khí, trong đó TP. Hồ Chí Minh hơn 1.000 DN. Tuy nhiên, các DN này vẫn chưa phát triển theo kịp nhu cầu thực tế do công nghệ chưa cao, vốn ít và nhất là chưa có những DN “đầu tàu” đủ mạnh để làm đòn bẩy cho cả ngành.
Nhập siêu sản phẩm cơ khí đang trở nên phổ biến, vấn đề này không chỉ tác động không tốt tới nền kinh tế mà còn khiến các DN cơ khí khó phát triển. Từ thực tế này, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) đã lập dự án đầu tư và được UBND TP.Hồ Chí Minh chấp thuận giao CNS làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng dự án nhà máy sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm phía Nam.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 30 ha tại cụm công nghiệp Đa Phước (huyện Bình Chánh), có tổng vốn đầu tư là 2.800 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào năm 2012. Dự án có công suất thiết kế sản lượng sản xuất hàng năm: 24.000 tấn thép đúc; 16.000 tấn gang đúc; rèn phôi thép 12.000 tấn; dập uốn thép tấm 15.000 tấn và công đoạn gia công cơ khí 3.000 tấn.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp cho thị trường một lượng sản phẩm phôi và chi tiết máy đáng kể, góp phần chủ động trong kế hoạch sản xuất của các ngành công nghiệp khác và giảm đáng kể phần ngoại tệ nhập khẩu các sản phẩm tương tự hàng năm. Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ tạo ra những sản phẩm đích thực cho quốc gia và thúc đẩy các nguồn lực tài chính và đội ngũ cán bộ kỹ thuật cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thụ đánh giá: Đây là dự án rất cần cho ngành chế tạo cơ khí Việt Nam hiện nay, phù hợp với Quyết định 10/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có thị trường kể cả trong và ngoài nước, đặc biệt trong hoàn cảnh các nước có xu hướng chuyển từ việc sản xuất sang mua bán sản phẩm đối với những sản phẩm sản xuất ở nước họ chịu nhiều sức ép của Luật Bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
Đánh giá tình hình sản xuất của ngành cơ khí cũng như nhu cầu thị trường trong thời gian tới, các chuyên gia trong lĩnh vực này đều cho rằng, sức tiêu thụ ở thị trường nội địa là rất lớn và cơ hội cho xuất khẩu cũng rất khả thi. Tuy nhiên, trong cả nước nói chung và tại địa bàn TP.Hồ Chí Minh nói riêng, mặc dù có nhiều DN sản xuất các sản phẩm cơ khí nhưng quy mô, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Điều này dẫn đến thực trạng Việt Nam đã và đang phải nhập siêu rất nhiều các sản phẩm cơ khí và thị trường nội địa đang bị nước ngoài thao túng. Thị phần cung cấp các sản phẩm cơ khí của các DN trong nước sẽ ngày càng nhỏ đi do không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Bởi thế, CNS khẳng định, nhà máy ra đời sẽ góp phần quan trọng giảm nhập phôi kim loại từ nước ngoài, giảm nhập siêu, đồng thời đảm bảo tự chủ trong sản xuất, kinh doanh của các DN cơ khí Việt Nam.
Theo lãnh đạo CNS, các sản phẩm chủ yếu của nhà máy là tạo phôi kim loại bằng phương pháp đúc, rèn, dập có chất lượng cao cung cấp cho các đơn vị gia công cơ khí trong nước và xuất khẩu; trực tiếp gia công các sản phẩm cơ khí theo đơn đặt hàng trong và ngoài nước.
Chất lượng sản phẩm thép đúc, gang đúc tương đương với các nước phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Thụ, “ngành đúc được xem là một ngành cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực cơ khí vì nó liên quan trực tiếp đến các ngành khác như đóng tàu, ô tô, máy công cụ công nghiệp và nông nghiệp”. CNS đã có những nghiên cứu kỹ trong dự án đầu tư này, đưa ra dự báo nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm đúc rất lớn và đa dạng.
Từ các sản phẩm nhỏ dùng trong các thiết bị tinh xảo như máy in, thiết bị đo lường đến các sản phẩm có kích thước và trọng lượng lớn dùng trong các ngành công nghiệp đóng tàu, vận tải, điện năng, khai thác mỏ… Vì thế, nếu không đầu tư để tạo ra sản phẩm thì Việt Nam vẫn sẽ phải tốn nhiều tỷ USD để nhập khẩu phôi liệu.
Đặc biệt, thị trường xuất khẩu các sản phẩm đúc, chỉ tính riêng Nhật và Hàn Quốc, hàng năm có thể đạt hàng trăm ngàn tấn nếu sản phẩm đạt chất lượng. Bắc Mỹ nói chung và Mỹ nói riêng là thị trường lớn nhất về kim loại đúc, cũng phải nhập khẩu rất nhiều mặt hàng này. Thực tế, Mỹ đang gia tăng nhập khẩu kim loại đúc bởi một loạt các nhà máy tại nước này phải đóng cửa do chi phí vận hành quá cao.
Tương tự, nhu cầu về phôi rèn của thị trường trong nước hàng năm cũng tăng lên tương ứng với sự phát triển sản xuất của các ngành công nghiệp khác. Việc đầu tư công nghệ và thiết bị vào công đoạn này sẽ nâng cao chất lượng phôi rèn, tăng hiệu quả sản xuất do tiết kiệm vật liệu và thời gian gia công, đáp ứng được điều kiện kỹ thuật – kinh tế để tham gia xuất khẩu.
Công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường
Bên cạnh việc tính toán sản lượng của các công đoạn đúc phôi thép và gang, rèn phôi thép, dập uốn thép tấm và gia công cơ khí, chủ đầu tư cũng sẽ lựa chọn công nghệ và thiết bị hiện đại, tiên tiến. Sau khi tìm hiểu các cơ sở có chức năng và quy mô sản xuất tương tự như mục tiêu đầu tư của dự án, CNS đã lựa chọn phương án công nghệ dùng lò cảm ứng trung tần để luyện kim loại.
Lãnh đạo CNS khẳng định: “Chúng tôi sẽ khảo sát, nghiên cứu thiết bị của các nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới để lựa chọn các thiết bị đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về kỹ thuật, kinh tế, môi trường của dự án”. Để đảm bảo cho dự án hoạt động bền vững, lâu dài, tổng công ty sẽ thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp khảo sát, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường ngay trong quá trình chuẩn bị dự án để đề xuất và thực hiện những giải pháp thiết thực bảo vệ môi trường theo đúng quy định.
Kỳ vọng vào sự phát triển của ngành cơ khí nói chung, cũng như cam kết đẩy mạnh hoạt động Nhà máy sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm phía Nam nói riêng nếu dự án được thực hiện, các bộ, ngành và nhiều DN đã lên tiếng ủng hộ. Ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Lilama khẳng định: Chúng tôi sẽ trở thành khách hàng lớn của nhà máy.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Lê Mạnh Hà – cho biết: Thành phố đánh giá vai trò tiên phong, chủ đạo trong việc đầu tư dự án của CNS. Đây sẽ là động lực lớn cho ngành cơ khí nói riêng và ngành công nghiệp của khu vực phía Nam nói chung, không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong nước mà còn có nhiều cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thành phố cam kết hỗ trợ thiết thực và hiệu quả nhất cho dự án.
Nguồn: baocongthuong.com.vn